Hội thảo Quốc tế Kết nối Việt Nam – Engaging With Vietnam (EWV) là chuỗi học thuật thường niên do GS.TS. Phan Lê Hà (ĐH Brunei Darussalam và ĐH University College London) sáng lập năm 2009 và cùng PGS.TS. Liam C. Kelley (ĐH Brunei Darussalam) xây dựng, phát triển trong suốt những năm qua. Mỗi năm EWV sẽ tập trung sâu vào một chủ đề bên cạnh các chủ đề khác phản ánh tính đa ngành và liên ngành.
EWV lần thứ 14 năm 2023 tập trung vào chủ đề Di sản với tiêu đề “Living with Heritage, (Re)creating Heritage: Vietnam and the World” (Sống cùng di sản, Tái tạo/Tạo di sản: Việt Nam và Thế giới). Hội thảo quy tụ hơn 500 khách mời đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước với gần 260 đề tài tham luận phản ánh góc nhìn đa dạng trong việc ứng xử với di sản…
Đoàn giảng viên khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng NTTU tham gia EWV 2023
Tham gia hội thảo, đoàn giảng viên khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật – ứng dụng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã trình bày 4 đề tài tham luận nêu lên quan điểm, nhận định về giá trị của các di sản trong bối cảnh phát triển đô thị hiện nay, đồng thời đưa ra những giải pháp, kiến nghị cùng chung mục tiêu giữ gìn và phát huy giá trị di sản, cụ thể:
- PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên và ThS. Trần Hoàng Liên với đề tài “Huế – những bản sắc cần phải giữ gìn”, khai thác các khái niệm “thế nào gọi là bản sắc”, “các đặc điểm nhận diện bản sắc đặc trưng của Huế”, phân tích các trường hợp cảnh báo, can thiệp chưa phù hợp thậm chí hủy hoại di sản ở một số đô thị để phục vụ cho mục đích phát triển. Hai tác giả cũng đã đưa ra các kiến nghị để phát triển du lịch, kinh tế cho Huế mà vẫn giữ được bản sắc địa phương.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên trình bày tham luận “Huế – những bản sắc cần phải giữ gìn”
- TS. Vũ Huyền Trang (Phó trưởng khoa) trình bày tham luận“Nhận diện nghệ thuật trang trí trên lễ phục cung đình triều Nguyễn (1802–1945)”. Đề tài tìm về tinh hoa xưa qua các yếu tố thị giác như bố cục, đường nét, hình ảnh, hoa văn – họa tiết trang trí, màu sắc được thể hiện ở cả nội dung và hình thức trên lễ phục cung đình triều Nguyễn, phản ánh những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa – lịch sử và giá trị thẩm mỹ của một triều đại.
TS. Vũ Huyền Trang trình bày tham luận với đề tài “Nhận diện nghệ thuật trang trí trên lễ phục cung đình triều Nguyễn (1802-1945)”
- ThS. Lê Hải Hồng Phong (Phó trưởng khoa) và ThS. Trần Duy Bình – trưởng bộ môn Kiến trúc, trình bày tham luận “Vì sao di sản thiên nhiên ở Việt Nam bị tàn phá? Bài học kinh nghiệm và tiêu chí bảo vệ”. Đề tài nêu lên hiện trạng và những lý do dẫn đến sự tàn phá các di sản thiên nhiên thông qua việc phân tích các khu nghỉ dưỡng điển hình ở Việt Nam như Sapa, Bà Nà, Đà Lạt, phân tích và học hỏi bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, qua đó rút ra các tiêu chí trong việc bảo vệ các di sản thiên nhiên ở Việt Nam.
ThS. Lê Hải Hồng Phong trình bày tham luận với đề tài “Vì sao di sản thiên nhiên ở Việt Nam bị tàn phá? Bài học kinh nghiệm và tiêu chí bảo vệ”
- ThS. Ngô Ngân Hà với tham luận “Giá trị di sản của nghệ thuật tạo hình dân gian trong kiến trúc cung đình Huế. Những vấn đề về bảo tồn và phát triển di sản bền vững” đã chỉ ra những biểu hiện của các yếu tố nghệ thuật tạo hình dân gian trong kiến trúc cung đình, đồng thời khẳng định những giá trị di sản vật thể và phi vật thể của đối tượng, đề xuất những giải pháp bảo tồn di sản trước những biến động của kinh tế – xã hội và sức ép của phát triển đô thị.
ThS. Ngô Ngân Hà trình bày tham luận “Giá trị di sản của nghệ thuật tạo hình dân gian trong kiến trúc cung đình Huế. Những vấn đề về bảo tồn và phát triển di sản bền vững”
Các bài tham luận đã thu hút sự tranh luận sôi nổi của đông đảo các đại biểu tham dự hội thảo đã phần nào cho thấy sự quan tâm của mọi người đối với “di sản”, đồng thời phản ảnh được tính thời sự, tính giá trị của “di sản” trong bối cảnh hội nhập và sự chuyển biến của nền kinh tế.
Trong khuôn khổ EWN lần thứ 14 còn có các phiên Toạ đàm toàn thể và Thảo luận bàn tròn do các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa và di sản cùng chủ trì, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về bảo tồn – phát huy di sản quốc tế, đồng thời phân tích các vấn đề bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, phát huy giá trị di sản tại Việt Nam.
Tham gia phần lớn các buổi tham luận của Hội thảo Quốc tế Kết nối Việt Nam – Engaging With Vietnam 2023, GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính bày tỏ sự vui mừng trước sự nhiệt huyết và tận tâm của giới nghiên cứu trẻ trong vấn đề bảo tồn di sản. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho sự tồn tại, phát triển di sản nước nhà. Ông cũng mong rằng các cấp chính quyền, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thường xuyên tổ chức những cuộc hội thảo thế này để các nhà nghiên cứu có thể cùng nhau trao đổi, thảo luận và tiếp tục cống hiến cho công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế nói riêng và di sản Việt Nam nói chung.
Phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề “Không gian truyền thống và hiện đại trong kiến trúc và cảnh quan vườn khu vực Bắc Á”
GS.TS. Hoàng Đạo Kính chia sẻ tại hội thảo
Song song các phiên báo cáo khoa học, tại EWN 2023 còn diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, kết nối giữa các khách mời, các chương trình sắp đặt nghệ thuật đặc sắc giới thiệu nét đẹp về văn hóa, con người của Huế như: Khai mạc Bảo tàng Áo dài và Giao lưu cùng các nhà thiết kế và nghệ nhân tại Cung An Định, Triển lãm thư pháp “Thần kinh Nhị thập cảnh – Thơ vua Thiệu Trị” tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Triễn lãm Mỹ thuật Quốc tế tại ĐH Nghệ thuật Huế…
Trước đó, vào ngày 29/07/2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (Trưởng khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng) cũng đã tham gia Hội thảo Văn hóa và kiến trúc nhìn từ di sản và di sản Huế diễn ra tại điểm gặp liên văn hóa (94–96–98 Bạch Đằng, TP. Huế) do GS.TS. Thái Kim Lan và TS. Phan Thanh Hải – ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế chủ trì. Tại đây, PGS.TS. Hạnh Nguyên cũng đã đóng góp, trình bày một tham luận về “Sống cùng di sản – sự lựa chọn cho thành phố Huế” .
PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên trình bày tham luận với đề tài “Sống cùng di sản – sự lựa chọn cho thành phố Huế”
Thông qua các hoạt động nghiên cứu, tham gia các chương trình hội thảo tại Huế, đoàn cán bộ giảng viên Khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng đã có những cọ xát thực tế, học hỏi được nhiều kinh nghiệm hữu ích trong việc tổ chức các hoạt động trưng bày triễn lãm, giao lưu học thuật, báo cáo tham luận, nâng cao khả năng đối thoại, tranh luận, đặc biệt trong các hoạt động có yếu tố quốc tế. Qua đó chuẩn bị hoạt động mở rộng hợp tác và trao đổi đa ngành, liên ngành, dưới nhiều góc độ khác nhau một cách chuyên sâu, hỗ trợ phục vụ công tác giảng dạy thực tế và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.
Thêm một hoạt động quan trọng nữa đã được đề ra trong chuyến công tác lần này, các giảng viên Khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đến thăm, làm việc với Khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học Huế. Tại đây, đại diện 2 bên đã có những trao đổi về các phương án hợp tác đào tạo – giảng dạy trong thời gian sắp tới nhằm giúp cho sinh viên hai trường có thêm sự cọ xát, giao lưu với trường bạn, phát huy tối đa khả năng tư duy sáng tạo đặc thù của ngành học, cũng như trau dồi thêm các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm hiệu quả đồng thời gia tăng khả năng thích ứng ở các môi trường làm việc khác nhau.
Đoàn giảng viên Khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng NTTU đến thăm Khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học Huế
Bên lề hội thảo, đoàn cán bộ giảng viên Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng đã ghé thăm nhà và trò chuyện cùng nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân. Ông được mệnh danh là “Nhà Huế học”, hiểu rõ về Huế, tìm ra được các đặc điểm riêng, tính cách riêng, quy luật phát triển của văn hóa Huế. Số lượng đầu sách và các bài viết về Huế của ông nhiều không kể xiết. Ông không ngần ngại chia sẻ tâm nguyện sẽ “biến” ngôi nhà đang ở của mình thành nhà lưu niệm – làm nơi tập trung tư liệu Huế học để những người muốn nghiên cứu về Huế có thể tham khảo; – nơi tiếp nhận những di sản tư liệu các cá nhân, tổ chức trao tặng; – nơi tìm đến của những con người yêu Huế.
Khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng đến thăm và trò chuyện cùng nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giới thiệu những tài liệu quý mà ông đã sưu tầm
Đoàn còn ghé tham quan “Lan viên cổ tích”. Đây cũng chính là “Bảo tàng gốm cổ sông Hương” – nơi sưu tầm và trưng bày gần 5.000 hiện vật gốm cổ được trục vớt từ lòng sông Hương. Chủ nhân của không gian đậm chất văn hóa Huế này là GS.TS. Thái Kim Lan. Sau hơn 50 năm sống và làm việc ở Đức, giáo sư đã chọn trở về xây dựng quê hương xứ Huế. Thẳm sâu trong nỗi lòng đầy trăn trở của người nữ trí thức mang đậm cốt cách tâm hồn Huế này là trở về để được góp một chút sức mình cho công cuộc tìm kiếm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Huế. Sinh ra trong một gia đình của Huế xưa, GS.TS. Thái Kim Lan là mẫu người phụ nữ tiêu biểu của Huế, mang trong mình tình yêu Huế sâu sắc, bà từng bước tu bổ, xây dựng khu nhà vườn cũng là nơi thờ tự trên mảnh đất gia tộc họ Thái, biến nơi đây trở thành một điểm đến văn hóa lưu giữ kiến trúc truyền thống mang đậm nét Huế.
Đoàn giảng viên NTTU chụp ảnh lưu niệm cùng GS.TS. Thái Kim Lan
Bảo tàng gốm cổ sông Hương – nơi lưu giữ gần 5.000 hiện vật gốm cổ được trục vớt từ chính dòng sông Hương
Kết thúc chuyến công tác với kết quả ngoài mong đợi, ghi dấu hình ảnh các giảng viên Khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với giới chuyên môn, mở rộng được mối quan hệ kết nối với cộng đồng các nhà nghiên cứu và tăng cường hợp tác đa ngành, liên ngành.