Lại một mùa Tân sinh viên sắp bắt đầu, một năm học mới lại được mở ra. Có lẽ đối với những bạn sinh viên năm nhất vẫn còn đang rất bỡ ngỡ khi phải làm quen với ngôi trường mới, các mối quan hệ mới. Sau đây là những hành trang mà một tân sinh viên cần có khi bước vào đại học, cao đẳng
1. Xác định mục tiêu học tập và công việc
Bước vào ngưỡng cửa đại học, có thể có các sinh viên đi học xa nhà nên sẽ phải làm tự lập cho cuộc sống của mình và chủ động trong mọi sinh hoạt cũng như việc học của chính mình. Nhưng suy cho cùng dù là sinh viên nội trú hay ngoại trú thì việc xác lập mục tiêu và kế hoạch học tập của mỗi bạn khi mới bước chân vào môi trường đại học là rất cần thiết.
Dành thời gian để làm quen với môi trường đại học nhiều hơn
Đầu tiên trong bước lập kế hoạch và mục tiêu là hãy dành thời gian quan sát, làm quen môi trường đại học, bao gồm cả việc học tập tại nơi đây. Vì mới làm quen với môi trường đại học nên nhiều sinh viên sẽ không thoát khỏi nhiều sự bỡ ngỡ. Bạn có thể xin những lời khuyên và tham vấn từ giáo viên cố vấn hay nhưng anh chị khóa trên để có thể bắt đầu làm quen nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Từ đó mà bạn sẽ có định hướng rõ ràng hơn trong việc xây dựng mục tiêu hay đặt ra được nhiệm vụ của mình. Mục tiêu của bạn càng cụ thể thì tính hiệu quả trong việc triển khai sẽ càng cao hơn. Chẳng hạn, một sinh viên năm nhất sẽ đặt mục tiêu học thêm một ngoại ngữ nào đó, đến năm thứ hai sẽ bắt đầu có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của riêng mình, năm ba sẽ phấn đấu đạt được chứng chỉ ngoại ngữ bằng B2, và đạt mục tiêu có thể tốt nghiệp loại giỏi với điểm tích lũy hệ 4 là 3.8…
Bên cạnh đó thì bạn cũng nên tìm hiểu những tiêu chuẩn về “sinh viên 5 tốt” hay danh hiệu “sao tháng giêng” để có thể đặt mục tiêu mà phấn đấu đến đạt được những tiêu chí thành tích vượt trội ấy.
2. Sinh viên cần trang bị, rèn luyện kỹ năng
Hơn hết, ngay khi đã trở thành một Tân sinh viên thì bạn sẽ cần trang bị và rèn luyện cho mình những hành trang kỹ năng để có thể trải nghiệm một cuộc sống sinh viên năng động, đầy hấp dẫn. Các bạn nên tham gia nhiều lớp học về kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội và hãy rèn luyện mỗi ngày.
Các kỹ năng bạn nên trang bị đó là làm việc nhóm, giao tiếp, quản lý thời gian, quản lý tài chính, tư duy sáng tạo, lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn,… Điều đó sẽ giúp bạn có thể phát triển bản thân và rèn dũa mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
3. Sinh viên cầu tư ngoại ngữ
Với thời kỳ hội nhập hiện nay, ngoại ngữ là một yếu tố cần thiết và không thể thiếu đối với các sinh viên. ngoại ngữ là yếu tố có thể quyết định vị thế của sinh viên trong nhà trường. Vì thế mà bạn cũng nên thu xếp và tham gia vào các CLB ngoại ngữ hay những khóa học, các buổi workshop,…
Đầu tư ngoại ngữ là điều cần thiết
Bởi vì ngoại ngữ là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế, qua đó mà sẽ có những buổi giao lưu giữa sinh viên quốc tế nên việc thành thạo ngoại ngữ sẽ là một lợi thế để không chỉ thể hiện bản thân trong môi trường đại học mà còn là lợi thế cho bạn trong công việc tương lai.
Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia các hoạt động ngoại ngữ ở bên ngoài nhà trường nhằm tăng cường khả năng ngoại ngữ hơn nữa, mặt khác cũng có thể mở rộng các mối quan hệ xã hội cho bản thân mỗi sinh viên.
4. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học
Việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học ở môi trường đại học quả là một cơ hội giúp bạn tạo được một nền tảng cho kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng tìm tòi, tự học hỏi và nghiên cứu sâu vào vấn đề mà mình quan tâm, yêu thích.
Qua đó, một sinh viên có thể học được rất nhiều thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học mà một sinh viên đã thực hiện. Đó có thể là những kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai như cách trình bày báo cáo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thu thập thông tin, thuyết trình…Vì thế mà đây được xem là một cơ hội giúp bạn có thể hoàn thiện bản thân hơn nữa thông qua việc NCKH, không những thế mà còn có thể tự tin thể hiện thành tích đạt được của mình trong CV của mình.
5. Đọc thêm nhiều sách báo
Việc thu thập và tích lũy kiến thức cho mình của sinh viên đại học, cao đẳng là một trong những điều quan trọng và cần thiết nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp thu những kiến thức trên giảng đường là chưa đủ. Vì thế mà bạn cần phải chủ động đọc thêm sách, báo cũng như những tài liệu giúp ích cho kiến thức của mình.
Nhất là đối với sinh viên ngành khoa học xã hội thì đọc thêm nhiều sách để tích lũy thêm kiến thức nhằm phát triển tư duy và khả năng ngôn ngữ là điều cần thiết. Tuy vậy hiện nay, thực trạng sinh viên mặc dù có nhiều thời gian rảnh rỗi nhưng ít khi đọc thêm sách báo vẫn đang là một vấn đề quan ngại hiện nay.
Việc đọc thêm sách, báo nhằm nắm bắt các tình hình xã hội cả trong và ngoài nước sẽ giúp bạn tiếp thu thêm nhiều kiến thức thực tiễn. Đồng thời có thể giúp bạn có thể so sánh và đối chiếu với những kiến thức đã học trên giảng đường và ứng dụng những điều đó vào thực tế một cách dễ dàng hơn.
Qua đó mà sinh viên cần phải có tâm thế “làm bạn” với thư viện. Vì thư viện là nơi của các kiến thức với rất nhiều đầu sách khác nhau trên nhiều lĩnh vực mà từ đó bạn có thể dễ dàng khai thác thông tin từ nơi đây. Ngoài ra, thư viện là nơi yên tĩnh, với đa dạng nội dung đầu sách tạo điều kiện cho việc tập trung.
Ngoài ra, sách báo điện tử cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên. Từ đó mà có thể tiết kiệm tài chính, vật chất, tận dụng được nhiều thời gian cho những việc đầu tư vào tương lai. Bạn cũng có thể nâng cao kỹ năng thu thập và tìm kiếm thông tin cho mình.
6. Sinh viên cần rèn luyện tính kỷ luật và chủ động
Sinh viên luôn là lực lượng nòng cốt cho các phong trào đoàn hội hay các hoạt động văn hóa xã hội của trường đại học, cao đẳng. Vì thế mà việc rèn luyện tính kỷ luật chủ động cũng như là yếu tố xây dựng hình ảnh cho trường cũng được chú trọng hơn bao giờ hết.
Điều gì tạo nên một sinh viên ưu tú?
Và để có thể làm được điều này, các bạn cần ý thức được những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động cũng như sinh hoạt tại trường hay ngoài xã hội. Vì thế mà việc giữ gìn nội quy nhà trường cũng như thể hiện văn hóa của nhà trường là điều mà các trường đại học, cao đẳng hiện nay đều muốn hướng tới như lịch thiệp trong giao tiếp, trang phục phù hợp, lịch sự, văn hóa xếp hàng, giữ vệ sinh chung, có ý thức trong văn hóa ứng xử…
7. Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa
Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ học là yếu tố cần cho một sinh viên. Các chương trình đó có thể là các hoạt động đoàn hội như mùa hè xanh, tiếp sức màu thi, hiến máu nhân đạo…Hay các chương trình, dự án được triển khai như ngày hội tân sinh viên, các hội thảo, chương trình chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chương trình Trung thu cho em…
Từ đó mà tạo điều kiện giúp nâng cao những kỹ năng làm việc độc lập, lên kế hoạch, tích lũy những kinh nghiệm sống hay các kỹ năng sống nhằm mở rộng các mối quan hệ xã hội.
Chưa hết mà đây còn là điều kiện giúp cho một sinh viên có thể nhận thức được vai trò và vị thế xã hội của giới trí thức trong thời đại hiện nay. Từ đó mà có thể phát huy hết khả năng của mình trong các hoạt động mà mình yêu thích.
8. Đời sống giải trí lành mạnh
Ngoài việc học tập căng thẳng thì việc giải trí của sinh viên cũng là điều cần thiết. Tuy vậy với thực trạng hiện nay thì nhiều sinh viên có xu hướng sử dụng những loại hình giải trí không lành mạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của mình. Vì thế mà việc tạo những thói quen giải trí lành mạnh là điều không thể thiếu đối với mỗi sinh viên.
Tham gia các hoạt động xã hội, thường xuyên tập luyện thể thao, đọc sách, nghe nhạc, tìm hiểu một điều gì đó mới hay thưởng thức nghệ thuật…là những thói quen giải trí vô cùng lành mạnh và giúp nâng cao sức khỏe cùng với sự sáng tạo của bản thân mỗi sinh viên. Nếu có thể rèn luyện được những thói quen này, sẽ vừa có thể cải thiện sức khỏe vừa có thể cân bằng giữa việc học và giải trí của bạn.
Đặc biệt, mỗi bạn cần phải ý thức được đây là tệ nạn, đâu là lành mạnh. Từ đó có thể tránh xa những thói quen xấu và tạo thêm nhiều những thói quen tốt cho bản thân.
Nâng cao ý thức cũng như lựa chọn giải trí lành mạnh
9. Phấn đấu săn học bổng và hỗ trợ học tập
Hiện nay, với sự phát triển về công nghệ cũng như xã hội thì các trường đại học, cao đẳng dường như cũng chú trọng về phúc lợi và phần thưởng cho những sinh viên ưu tú của các khoa trong trường. Vì thế mà bạn sẽ có những phần quà, học bổng hay được hỗ trợ chi phí học tập ngày càng nhiều.
Qua đó, phúc lợi của sinh viên trong nhà trường cũng được tăng lên đáng kể. Hiện nay với rất nhiều học bổng cũng như chính sách trợ cấp cho những sinh viên xuất sắc, sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên khuyết tật hay các học bổng du học cực kỳ hấp dẫn…Nên cũng phần nào kích thích động lực học tập trong mỗi sinh viên, phấn đấu giành được học bổng từ nhà trường.
10. Sinh viên cần cân bằng giữa học và làm
Hiện nay, nhiều sinh viên ý thức được việc tự lập từ rất sớm nên cũng có xu hướng đi kiếm việc làm thêm nhiều để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong đó có những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện như các sinh viên ở thành phố. Vì thế mà việc đổ xô đi làm thêm cũng đang là một xu hướng hiện nay.
Hơn hết, làm thêm có thể giúp bạn tích lũy được những kinh nghiệm sống, kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học, thuận lợi hơn cho việc phát triển bản thân. Tuy nhiên cũng nên cân bằng giữa làm thêm và việc học của bản thân để đảm bảo được chất lượng học tập của chính mình
Trên đây là 10 lưu ý cho những tân sinh viên mới bước chân vào cánh cổng đại học, cao đẳng. Có thể nói, sinh viên là những hạt mầm quan trọng của một quốc gia. Vì thế, việc ý thức giá trị của bản thân mỗi sinh viên là cực quan trọng và cần thiết trong thời kỳ hội nhập này.
Nguồn: Giáo dục